(PLVN) – Ngày 28/11, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì các phiên họp thẩm định về Luật Dẫn độ và Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Thứ trưởng chủ trì phiên họp ngày 28/11 vừa qua đã yêu cầu làm rõ vai trò trung tâm của Cơ quan trung ương trong hoạt động dẫn độ và các thủ tục có thể phát sinh.
Vai trò trung tâm cùa Cơ quan trung ương trong hoạt động dẫn độ
Theo báo cáo của Bộ Công an, việc ban hành Luật Dẫn độ là cần thiết nhằm hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài; bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực dẫn độ; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về dẫn độ.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã trao đổi, thảo luận cho ý kiến về xử lý vụ việc dẫn độ áp dụng nguyên tắc có đi có lại; chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ của Việt Nam đi nước ngoài; nghiên cứu bổ sung thời hạn cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu dẫn độ làm rõ thông tin, tài liệu trong hồ sơ yêu cầu dẫn độ; điều chỉnh thời gian TAND cấp tỉnh xem xét hoặc đình chỉ việc xem xét yêu cầu dẫn độ của nước ngoài gửi đến Việt Nam…
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị Bộ Công an bám sát các quan điểm, yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; đồng thời lưu ý chỉ đưa vào Luật những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và tránh khoảng trống trong quá trình thực hiện, Thứ trưởng yêu cầu tiếp tục rà soát dự thảo Luật, trong đó những nội dung nào đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì không quy định lại, những nội dung đặc thù nào còn thiếu thì bổ sung.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, Luật Dẫn độ là luật thủ tục; vì vậy các quy trình trong Luật phải ngắn gọn, linh hoạt, rõ ràng, cụ thể các trường hợp được áp dụng. Đồng thời, cơ quan chủ trì cần làm nổi bật vai trò trung tâm của Cơ quan trung ương trong hoạt động dẫn độ.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát dự thảo Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đảm bảo sự thống nhất giữa dự thảo Luật và bộ hồ sơ trình; báo cáo đánh giá những nội dung mới so với các chính sách đã được thông qua; giải trình rõ nguồn lực thực hiện…
Cần làm rõ các thủ tục có thể phát sinh
Cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì phiên họp thẩm định Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Theo đó, việc ban hành Luật này là cần thiết nhằm hoàn thiện pháp luật về chuyển giao người đang thi hành án phạt tù theo hướng nhân đạo, toàn diện, cụ thể, đồng bộ, thống nhất, khả thi, ổn định, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang thi hành án phạt tù. Bên cạnh đó, Luật cũng giúp bảo đảm quyền con người của người đang chấp hành án phạt tù; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã trao đổi, thảo luận cho ý kiến về nội dung dự thảo Luật. Như: dự thảo Luật chưa nêu rõ trong trường hợp Việt Nam là bên lập yêu cầu chuyển giao thì Bộ Công an có cần chuyển hồ sơ chuyển giao cho Toà án xem xét và quyết định không; rà soát tính tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về trường hợp từ chối tiếp nhận, từ chối chuyển giao…
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định; đồng thời đánh giá dự thảo Luật đã thể chế hoá đầy đủ 3 chính sách được phê duyệt. Dự thảo Luật cũng phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; đảm bảo tính hợp hiến; tuy nhiên cần tiếp tục rà soát với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan như: Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chỉ quy định những nội dung mang tính khung, nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội và giao Chính phủ quy định các nội dung chi tiết. Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần làm rõ các thủ tục có thể phát sinh trong hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; điều kiện bảo đảm thi hành Luật; quy định về chuyển đổi tội danh, hình phạt…